Bài Viết

Từ xa xưa, nhiều nhà ở thôn quê thường có “Cúc nở đầy vườn tựa nghệ pha” (Bạch Cư Dị). Rồi từ hoa cúc, người dùng để thưởng trà, người dùng để chữa bệnh.

Hoa cúc là loại thảo dược lâu đời ở Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và La Mã. Dịch chiết từ hoa cúc được sử dụng theo nhiều cách như uống, bôi tại chỗ, xông hơi để điều trị nhiều bệnh khác nhau như hen suyễn, đau bụng, thư giãn, viêm đại tràng, viêm nướu…

Thư giãn cơ bắp và giảm căng thẳng: Cho 10 giọt chiết xuất hoa cúc vào bồn nước ấm. Ngâm mình trong bồn nước tắm vừa giúp bạn thư giãn tinh thần vừa giải tỏa mệt mỏi cho cơ bắp.

 

Nhỏ 2 – 3 giọt dịch chiết xuất từ hoa cúc vào khăn để dưới gối sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn
và nên thay khăn mỗi ngày – Ảnh: Shutterstock

Hội chứng ruột kích thích và các vấn đề tiêu hóa khác như đầy bụng, buồn nôn:  Chiết xuất hoa cúc có khả năng chống viêm, chống co thắt nên giúp thư giãn các cơ trơn dạ dày và ruột. Kết quả, các triệu chứng buồn nôn, đầy hơi, ợ nóng giảm hẳn. Bạn chỉ cần hòa tan 1 – 2 giọt vào một ly nước và uống.

Viêm đại tràng: Bạn cho 5 – 8 giọt chiết xuất hoa cúc trộn với 30 ml dầu ô liu và mát xa lên vùng bị đau. Bạn cũng có thể cho 8 – 10 giọt vào nước tắm.

Giảm đau bụng kinh: Hoa cúc giúp thư giãn các cơ trơn của tử cung, từ đó giảm bớt cơn đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Cũng giống như điều trị các vấn đề tiêu hóa, khi sử dụng bằng đường uống, bạn chỉ nên cho 1 – 2 giọt chiết xuất và phải hòa tan với nước.

Chữa đau đầu và đau nửa đầu: Đây là cách giảm những cơn đau đầu tiện ích cho dân văn phòng. Mỗi lần đau đầu, thay vì uống thuốc giảm đau, bạn nhỏ 2 – 3 giọt vào một miếng gạc nóng hoặc lạnh và đắp lên trán. Nhắm mắt lại và thư giãn trong ít phút.

Giúp ngủ ngon hơn: Nếu có máy khuếch tán tinh dầu tại nhà, bạn cho 5 – 6 giọt vào máy và đặt trong phòng ngủ để thư giãn. Hoa cúc có tác dụng an thần nhẹ và thư giãn cơ bắp nên rất tốt cho những người mất ngủ, khó ngủ. Trường hợp không có máy, bạn cho 2 – 3 giọt vào khăn giấy và đặt dưới gối trước khi bắt đầu đi ngủ. Thay khăn giấy mỗi ngày.

Giảm các triệu chứng khó chịu khi bị cảm lạnh hoặc hen suyễn: Khi bị bệnh này, bạn cảm thấy khó thở, hãy cho 8 – 10 giọt dịch chiết hoa cúc vào bát nước nóng để xông hơi.

Hạn chế những khó chịu thời kỳ mãn kinh: Đến tuổi này, phụ nữ hay cáu gắt, khó ngủ. Bạn nên nhỏ 8 giọt tinh dầu hoa cúc vào 30 ml dầu ô liu và mát xa khắp cơ thể. Bạn cũng có thể thực hiện giống giải pháp xông hơi trị mất ngủ hoặc cho 8 – 10 giọt vào nước tắm.

Làm dịu phát ban da: Nếu bị eczema, bỏng nhẹ hoặc cháy nắng, bạn có thể pha khoảng 10 giọt chiết xuất hoa cúc vào nước tắm hằng ngày. Hoa cúc sẽ giúp bạn giảm ngứa, giảm viêm và kích ứng da. Nó cũng giúp quá trình chữa bệnh nhanh hơn và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Điều trị viêm mắt. Bạn uống trà hoa cúc bằng cách cho 1 – 2 giọt tinh dầu vào ly nước. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho 2 – 3 giọt vào gạc ấm, nhắm mắt lại và đắp lên bầu mắt. Cách này giúp mắt bớt mệt mỏi, giảm kích thích.

Chữa lành vết loét miệng và ngăn ngừa bệnh nướu răng: Bạn cho 2 giọt dịch chiết hoa cúc vào chén nước. Dùng nước này để súc miệng mỗi ngày giúp làm dịu viêm miệng, lở loét và giữ cho nướu răng khỏe mạnh. Sở dĩ vậy là do dầu hoa cúc có đặc tính chống vi khuẩn, giúp làm sạch và bảo vệ vết thương khỏi nhiễm trùng nên nó thường được dùng như là phương thuốc tự nhiên để điều trị áp xe răng, viêm lợi và một số nhiễm trùng khác bên trong khoang miệng.

Giảm đau cho bé khi mọc răng sữa: Khi mọc răng, bé đau nhức, khó chịu và quấy khóc. Do bé chưa biết súc miệng, bạn có thể giảm khó chịu cho bé bằng cách sử dụng gel giảm đau có thành phần dịch chiết hoa cúc. Bạn lấy khoảng 1/4 cm chiều dài thuốc lấy ra từ ống thuốc và thoa lên vị trí răng đang mọc. Không dùng quá 3 lần trong 24 giờ.

Giảm kích ứng cho người mang răng giả: Đối với người mang răng giả, thoa gel có chứa dịch chiết hoa cúc vào các điểm bị chèn ép để giảm cảm giác quá mẫn cảm ­­đối với vật lạ trong giai đoạn chưa thích nghi. Bạn chỉ cần sử dụng lượng nhỏ bằng hạt đậu thoa vào chỗ bị đau.

Theo báo Thanh Niên số 223 (6806) Thứ Hai 11.08.2014 – Sức Khỏe & Ẩm Thực

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.