Công dụng của long nhãn
CÂY NHÃN CÓ TÊN KHOA HỌC DIMOCARPUS LONGAN LOUR. (EUPHORIA LONGAN (LOUR.) STEUD.), THUỘC HỌ BỒ HÒN – SAPIDACEAE. GỐC Ở ẤN ĐỘ VÀ ĐƯỢC TRỒNG RỘNG RÃI Ở NHIỀU NƯỚC NHƯ VIỆT NAM, THÁI LAN, LÀO, MYANMAR, SRI LANCA VÀ CÁC TỈNH PHÍA NAM TRUNG QUỐC.
Hiện nay ở Việt Nam có nhiều giống nhãn được ưa chuộng như nhãn Hưng Yên – nổi tiếng từ lâu đời; nhãn long da me, quả vàng hoặc trắng, hạt to, cơm mỏng, nhiều nước rất ngọt; nhãn tiêu da bò có vỏ màu da bò, hạt nhỏ, cơm ngọt, hơi ráo nươc; nhãn giống da bò có vỏ màu da bò, cơm tương đối dày, quả rất to…
Cây nhãn ra hoa vào tháng 4 – 5 và cho quả vào tháng 7 – 8.
Người ta dùng quả nhãn để làm thực phẩm, chế biến cùi hạt nhãn hay áo hạt (tử y) bằng cách đem phơi hoặc sấy khô để có vị thuốc tên là long nhãn nhục, quế viên hay nguyên nhục (Arillus Longan).
Thường 100kg quả tươi đem chế biến được khoảng 10 – 12kg long nhãn nhục.
Phân tích trong cùi nhãn tươi có chứa: Nước 77,15%, tro 0,01%, chất béo 0,13%, protein 1,47%, hợp chất có nitrogen tan trong nước 20,53%, đường saccharose 12,25%, vitamin A và B.
Trong cùi nhãn khô có: Nước 0,85%, chất tan trong nước 79,77% (có chứa glucose 26,9%, saccharose 0,22%, acid tartric 1,2%, chất có nitrogen), chất không tan trong nước 19,3%, tro 3,36%.
Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh Nguyễn Bá Tĩnh, vị thuốc long nhãn có vị ngọt, tính ấm, bình không độc, tác dụng trấn tĩnh được chứng kinh giật, làm tăng trí nhớ, trừ trùng lao, bổ ích tâm tỳ, thêm tuổi thọ.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết về long nhãn trong sách Dược phẩm vậng yếu như sau: “Long nhãn được sách Thần Nông bản thảo gọi là ích trí, vị ngọt, tính bình, không độc, vào kinh Túc Thái Âm (tỳ) và Thủ Thiếu Âm (tâm)… Bổ ích cho tạng tỳ, bổ tâm hư mà thêm trí nhớ, làm mát dạ dày,mà bổ tỳ, chữa hay quên, hồi hộp, an thần thêm giấc ngủ, không nóng không lạnh, tính hòa bình đáng quí; nuôi da thịt, đẹp nhan sắc. Uống nhiều thì mạnh chí, thông minh; dùng lâu ngày thì nhẹ mình, trẻ lâu… Các chứng tiết tả và bụng trên bị đầy đều cầm dùng”.
Có một truyền thuyết kể lại rằng:
“Xưa kia, ở tại vùng vịnh Hưng Hóa, huyện Bồ Điền, tỉnh Phước Kiến, có một con rồng hung ác chuyên gây tai họa cho người dân trong vùng. Vào mùa đông hàng năm, nước thường gây ra những cơn sóng dữ, làm nước dâng lên ngập tràn gây hư hại cây cối hoa màu.
Ở trong vùng này có một trai trẻ tên là Quế Viên, trí dũng hơn người, đã thề quyết giết cho được con ác long để báo thù cho cha mẹ và trừ khử một mối hiểm họa cho người dân lành.
Vào một buổi sáng sớm, khi con ác long đang làm dâng nước phá hoại ruộng vườn của dân chúng, chàng Quế Viên với thân hình lực lưỡng, tay cầm thanh đại đao đã xông vào quyết chiến với rồng dữ. Cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt, nhưng với võ công tuyệt kỹ của mình, Quế Viên đã chém được một đầu con vật hung tợn. Chàng móc hai con mắt của rồng đem về tế cha mẹ và những người bị rồng hại chết.
Không ngờ, bọn quan lại thời đó nghe nói lấy được mắt rồng bèn tìm cách hại chàng Quế Viên để cướp làm của riêng. Chàng dũng sĩ chỉ kịp nuốt một con mắt rồng và hóa thành một con kim long bay vút lên trời cao, còn một con mắt rồng bị rơi xuống đất và lập tức biến thành một cây cao lớn, cành lá xum xuê.
Mùa hè năm sau, người ta thấy cây này đơm hoa và kết từng chùm trái ngọt, thơm ngon. Để tưởng nhớ công trạng của chàng dũng sĩ, người ta đặt cho cây cái tên long nhãn và cũng gọi long nhãn là quế viên.
Như vậy, khi đọc trong sách thuốc Đông y có ghi vị thuốc quế viên thì nên hiểu đó là long nhãn. Không nên nhầm lẫn quế viên là quế tròn, quế khâu ( tức vị thuốc nhục quế), là vỏ thân của cây quế (Cinnamomum cassia Presf).
Hạt quả nhãn có chứa tinh bột, saponin, chất béo và tanin, được dùng ngoài để chữa chốc lở, chảy máu khi đứt tay, bằng cách bóc vỏ đen, sấy khô, tán bột mịn để rắc vào vết thương. Có nơi còn dùng lá nhãn sắc uống để trị sốt do cảm lạnh (10-15g/ngày).
Khi ăn quả nhãn tươi, bạn nên chọn những quả thật chín, không nên ăn những quả chưa chín vì có thể sinh đàm.
Đối với nhãn khô, cách ăn tốt nhất là nhai nhỏ rồi ngậm và từ từ nuốt nước, không nên nhai sơ qua rồi nuốt liền.
Mỗi ngày chỉ nên dùng 8-20g long nhãn nhục, dùng riêng hoặc phối hợp với các thực phẩm khác như hạt sen 20-30g, ý dĩ 15-20g, đại táo 20-30g, để nấu chè hoặc nấu cháo ăn, có tác dụng bổ dưỡng, trợ tim, an thần.
Sau đây là một vài món ăn chế biến với long nhãn:
- TRỨNG CÚT NẤU LONG NHÃN:
Nguyên liệu: Trứng chim cút 6-8 cái, long nhãn nhục 15g tươi hoặc 8g khô.
Cách làm: Cho 2 thứ vào nồi với 300ml nước, nấu sôi khoảng 10 phút, dùng ăn vào lúc đói bụng.
Công dụng: Bổ thạn, bổ huyết, sinh tinh, an thần.
- CHÁO LONG NHÃN BỔ ÂM:
Nguyên liệu: Sinh địa 30g, táo nhân (sao đen) 20g, long nhãn nhục 20g, câu kỷ tử 20g.
Cách làm: Cho tất cả dược liệu vào túi vải, sắc lấy nước. Dùng nước thuốc nấu với 100g gạo tẻ thành cháo. Chia 2 lần ăn vào lúc đói bụng.
Công dụng: Bổ thận âm, bổ huyết, dưỡng tâm, an thần.
- ĐAN SÂM, LONG NHÃN CHIÊN THỊT GÀ:
Nguyên liệu: Đan sâm 10g, long nhãn nhục 20g, hạch đào nhân 10g, thịt gà tơ 500g, trứng gà 2 quả, rau thơm 100g, muối 6g, bột nêm 2g, tiêu bột 3g, bột gạo 25g, dầu mè 5ml, dầu đậu phộng 1.500ml, gừng hành 30g.
Cách làm: Thịt gà bỏ da, xắt thành miếng khoảng 1cm. Hạch đào nhân ngâm nước sôi, lột bỏ vỏ, đổ vào chảo dầu chiên chín. Rau thơm rửa sạch, để ráo nước. Long nhãn nhục dùng nước nóng rửa sạch, xắt nhỏ. Đan sâm nghiền thành bột. Trứng gà bỏ tròng trắng, lấy tròng đỏ trộn với bột gạo thành hồ trứng.
Đem thịt gà ướp muối, bột nêm, dầu mè, bột gừng, rồi trộn đều với hành, hạnh đào nhân, long nhãn nhục, hồ trứng. Trải bánh tráng lên banfm trước hết rải ít lá rau thơm lên đó, sau đó là 1 miếng thịt nguội, rồi để miếng thịt gà tẩm bột lên, xếp bánh tráng thành hình chữ nhật bao kín miếng thịt gà.
Đổ dầu đậu phộng vào chảo, khi dầu vừa nóng cho thịt gà đã được bao kín vào chiên vàng, lấy ra để vào dĩa là xong.
Công dụng: Bổ tinh huyết, ôn trung ích khí, bổ thận cố tinh, hoạt huyết hóa ứ. Thích hợp dùng cho người thiếu máu, hư nhược, bứt rứt trong người, mất ngủ, trí nhớ suy kém.
LƯƠNG Y ĐINH CÔNG BẢY (Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM)
Sorry, the comment form is closed at this time.